Kiến trúc Hội_quán_Ôn_Lăng

Hậu điện.

Hội Quán Ôn Lăng được xây dựng trên khuôn viên rộng 1.800 m2, kiến trúc theo kiểu đền miếu cổ Trung Hoa (nội công ngoại quốc) với bộ khung chịu lực bằng gỗ, mái ngói lợp ống, chân mái được viền bằng ngói xanh. Đặc biệt nhất là cách tạo hình và trang trí mái ngói mang đậm nét phong cách của người Phúc Kiến, với những bờ nóc uốn cong có gắn các mảng tượng gốm trang trí.[4]

Hội quán cất theo nhà hình chữ nhật, ở giữa bao gồm tiền điện, trung điện, chính điện và dãy nhà ngang rộng, sáng sủa, thoáng mát, nhiều gian thờ là hậu điện. Có cả thảy ba cửa vào tiền điện. Nơi cửa chính, ở hai bên là đôi kỳ lân đá uy nghi, rất mỹ thuật được mang từ Trung Quốc sang. Trên vách mặt tiền có hai bức phù điêu bằng gỗ chạm bông thếp vàng và phù điêu đắp nổi Tứ đại kim cương. Phần kiến trúc dưới mái hiên cũng được chạm trổ tinh xảo bằng các hình bông sen, tượng kỳ lân và các dây hoa...

Hội quán còn lưu giữ nhiều cổ vật có từ thời vua Quang Tự, (nhà Thanh), như trống, đỉnh gang, lư hương... Đặc biệt, có một chuông lớn đề năm Đạo Quang Ất Dậu Niên (1825). Ngoài ra, hội quán có nhiều hoành phi và câu đối với nội dung ca ngợi công đức của thần và bày tỏ ước nguyện của con người.

Ao phóng sinh

Một nét riêng khác, do sân hội quán bị đường phố cắt ngang, cho nên phần đất còn lại phía bên kia đường, người ta cho xây một hồ phóng sinh, khiến cảnh chùa có một chút gì thiên nhiên giữa lòng phố thị.

Nói về hội quán này, học giả Vương Hồng Sển viết:

Đường Lão Tử, có Ôn Lăng Hội Quán của người Phước Kiến, thờ Bà Thiên Hậu. Vị trụ trì chùa nầy cho biết rằng "Ôn Lăng" là một địa danh thuộc phủ Tuyền Châu. Ngoài cửa chùa có chạm vào đá hai câu liễn do Trạng nguyên cập đệ Ngô Lỗ cúng năm Tân Sửu (1901) đời Quang Tự:Ôn nhu trước chí nhơn, chánh đạo dung dân nguyên Khổng Dịch;Lăng nhạc đồng trang trọng, mẫu nghi hình ngã cánh vô phươngTrong chùa còn một chuông lớn đề "Đạo Quang Ất Dậu niên" tức năm 1825 (năm thứ 6 đời vua Minh Mạng).Khi từ tạ ra về, hoà thượng đưa ra cửa, dạy thêm cho biết rằng: "Để tưởng niệm Châu Ngươn Chương, thủy tổ nhà Minh, nên chùa thường dùng màu đỏ (châu, chu) sơn cột và trính, còn trên ngạch cửa, có chạm hai mắt lồi ra, tượng trưng "Nhựt", "Nguyệt", hai chữ ấy ráp lại tức "Minh" vậy.[5]

Ngày 27 tháng 4 năm 2004, Hội quán Ôn Lăng đã được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.